200 luật sư cùng bảo vệ tại tòa cho Huỳnh Văn Nén là điều khó thành?

04:09:00 15/09/2016

Mới đây trên báo Người Đưa Tin đã đăng thông tin về việc có nhiều luật sư ngỏ ý muốn bảo vệ miễn phí cho ông Huỳnh Văn Nén, con số đã lên đến gần 200 người. Được biết, số luật sư đăng ký tham gia vẫn đang tiếp tục tăng lên. Khả năng ông Nén kiện ra tòa để bồi thường là rất cao khi đại diện gia đình ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận chưa tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường thông qua thương lượng.

Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội "Giết người". Tháng 4/1998, ông Nén bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn. Hơn 2 năm sau TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội "Giết người", 3 năm tội "Cướp tài sản" và 2 năm về tội "Cố ý hủy hoại tài sản". Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước.

Sau 12 năm cơ quan điều tra không buộc tội được các bị can, không tìm ra hung thủ, gia đình ông Nén được minh oan, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén không được giải quyết vì đang thi hành bản án chung thân vì bị cho là giết bà Bông, cướp nhẫn vàng. Sau gần 17 năm ngồi tù, Huỳnh Văn Nén đã được minh oan.

"Người tù thế kỷ" - Huỳnh Văn Nén.

Liên quan đến việc có khá nhiều luật sư muốn đồng hành cùng ông Nén trong việc bảo vệ quyền lợi nếu ông khởi kiện đòi bồi thường oan sai, con số lên đến gần 200 luật sư - sự việc đặc biệt chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với luật sư Cao Văn Tỉnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để tìm hiểu.

Luật sư Tỉnh phân tích: Trước đó, trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khoản 3, Điều 50 quy định một người bị buộc tội có thể mời nhiều người bào chữa nhưng không quá năm người. Tuy nhiên, ngay sau đó, quy định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và bị loại bỏ.

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và Bộ luật Tố tụng hình sự2015 đã được thông qua đều quy định: "Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Và nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội".

Tuy nhiên, với vụ án của ông Huỳnh Văn Nén đã được minh oan, việc khởi kiện đòi bồi thường oan sai là tranh chấp dân sự riêng biệt. Do đó, cần phải xem xét vào quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét.

Theo đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Cả trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đều không hạn chế số lượng người bảo vệ quyền lợi cho cùng một đương sự.

Khoản 3, Điều 63 Bộ luật Tố tụng dân sự 2005 quy định: “Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án”.

Luật sư Tỉnh cũng lưu ý: “Với quy định là vậy, tuy nhiên, việc để 200 luật sư cùng tham gia bảo vệ tại phiên tòa cho Huỳnh Văn Nén là điều khó thành. Điều này có thể gây rối ren về quan điểm bảo vệ, kéo dài thời gian xét xử, tốn kém chi phí cho việc này. Có chăng, các luật sư cùng bảo vệ quyền lợi cho ông Nén sẽ phải thống nhất quan điểm bảo vệ, sau đó cử người đại diện tham gia phiên tòa chứ không thể cùng có mặt tại đó”.

Vậy nên, nếu ông Nén đồng ý thì tòa có chấp nhận cho hơn 200 luật sư đó tham gia tố tụng hay không (?), điều này luật không hạn chế nhưng cũng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Dương Nhung

 

Đang xử lý...

.