Mã số 45: Quyết định giám đốc thẩm số 30/2013/DS-GĐT

12:01:00 08/01/2010

Quyết định giám đốc thẩm số 30/2013/DS-GĐT ngày 24 tháng 4 năm 2013 về vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn bà Thái Bích Lan và bị đơn bà Thái Thị Sáu

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Ngày 24/4/2013, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

1.  Bà Thái Bích Lan sinh 1959;

2. Ông Thái Hoàng Huân sinh 1963;

3. Bà Thái Bích Phượng sinh 1965;

Bà Lan, ông Huân, bà Phượng cùng trú tại nhà số 48 Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

4. Bà Thái Bích Thủy sinh 1957; trú tại 94 Nguyễn Chí Thanh, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

5. Ông Thái Hoàng Dũng sinh 1959; trú tại 23/16 Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

6. Ông Thái Hoàng Long sinh năm 1964; trú tại 35 Nguyễn An Ninh, khu phố 4, phường Vĩnh La, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

7. Bà Thái Bích Dung sinh năm 1969;

8. Ông Thái Vĩnh Lộc;

9. Bà Thái Bích Loan sinh năm 1967.

Bà Dung, ông Lộc, bà Loan cùng trú tại 73/113 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn:

1. Bà Thái Thị Sáu sinh năm 1940; trú tại 289/51 Bến Vân Đồng, phường 2, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ông Thái Tuấn Khanh chết ngày 09/12/2006, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng gồm:

+ Anh Thái Tuấn Khải sinh năm 1967;

+ Chị Thái Thị Phương Khánh, sinh năm 1969;

Anh Khải, chị Khánh cùng trú tại 51D/04 ấp Thanh Mỹ I, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

3. Ông Thái Tuấn Thạnh chết ngày 14/3/1994, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng gồm:

+ Chị Thái Thị Tuyết Phượng;

+ Chị Thái Trường Thanh Hiền;

+ Chị Thái Trường Khánh Vân;

+ Anh Thái Tuấn Tùng;

+ Chị Thái Trường Quý Phương;

+ Chị Thái Trường Kim Thi;

Chị Phượng, chị Hiền, chị Vân, anh Tùng, chị Phương, chị Thi cùng trú tại 122 Nguyễn Hùng Sơn, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

+ Thái Trường Diệu Chi định cư tại Hoa Kỳ.

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện ngày 11/6/1994 và trong quá trình tố tụng, các nguyên đơn trình bày:

Vợ chồng cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng có 5 người con chung, hai người chết lúc nhỏ, còn lại 3 người là:

1. Cụ Thái Thuần Hy (chết ngày 30/9/1997), cụ Hy có 4 người con là:

1.1. Ông Thái Tuấn Khanh (chết ngày 09/12/2006) có 2 con là anh Thái Tuấn Khải và chị Thái Thị Phương Khánh.

1.2. Ông Thái Tuấn Thạnh (chết ngày 14/3/1994) có 7 con là các anh chị Thái Thị Tuyết Phượng, Thái Trường Thanh Hiền, Thái Trường Khánh Vân, Thái Trường Diệu Chi, Thái Tuấn Tùng, Thái Trường Quý Phương, Thái Trường Kim Thi.

1.3. Bà Thái Thị Năm chết năm 1985 không có chồng con.

1.4. Bà Thái Thị Sáu.

2. Cụ Thái Thị Lượng không có chồng con, chết năm 1983.

3. Cụ Thái Tri chết ngày 24/6/1987 (tức ngày 07/5/1987 âm lịch) có 10 người con là các ông bà: Thái Hoàng Phước (chết không có vợ con); Thái Vĩnh Lộc; Thái Bích Lan; Thái Hoàng Huân; Thái Hoàng Dũng; Thái Bích Thủy; Thái Hoàng Long; Thái Bích Phượng; Thái Bích Dung và bà Thái Bích Loan.

Về tài sản: cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng có 2 căn nhà (nhà chính diện tích khoảng 100m2 lợp ngói, nền lát gạch, vách gỗ và nhà phụ diện tích 40,3 m2 mái ngói) trên 270,5m2 đất tại số 122 Nguyễn Hùng Sơn (trước đây là 13 Thiệu Trị). Cố Thái Anh chết năm 1975, cố Nguyễn Thị Liêng chết năm 1977 đều không để lại di chúc. Sau khi hai cố chết, nhà đất của hai cố do cụ Thái Thuần Hy quản lý, sử dụng. Năm 1987 cụ Hy phá nhà chính xây dựng nhà mới nên trên đất chỉ còn lại nhà phụ của hai cố.

Nay các đồng nguyên đơn (là con cụ Thái Tri) khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của ông, bà nội là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị nhà phụ, không yêu cầu chia giá trị nhà chính.

Bị đơn (là các con, cháu cụ Thái Thuần Hy) trình bày:

Cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng tạo lập được hai khối tài sản ở hai nơi khác nhau là nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn (trước đây là 13 Thiệu Trị) và nhà số 5 Hoàng Hoa Thám. Khi còn sống, hai cố đã chia cho cụ Thái Tri nhà số 5 Hoàng Hoa Thám và chia cho cụ Thái Thuần Hy nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn. Nguồn gốc nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn là của cố Thái Cẩm An (anh ruột cố Thái Anh) tạo lập, do không có con nên cố Thái Cẩm An giao cho cụ Thái Thuần Hy để thờ cúng tổ tiên nhưng lúc đó cụ Hy còn nhỏ nên nhờ cố Thái Anh đứng tên hộ khi cụ Hy lớn thì giao lại. Do đó, nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn không phải là di sản thừa kế của vợ chồng cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng; đề nghị Tòa bác yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 12/DSST ngày 01/11/2002, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định “bác đơn yêu cầu chia thừa kế nhà đất số 122 Nguyễn Hùng Sơn, khu phố 1, phường Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang của các đồng nguyên đơn: Thái Bích Lan, Thái Bích Thủy, Thái Hoàng Dũng…”. Ngày 14/11/2002 các đồng nguyên đơn kháng cáo yêu cầu chia thừa kế nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 156/DSPT ngày 21/5/2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định “hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 12/DSST ngày 01/11/2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử lại theo thủ tục chung...”.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2009/DSST ngày 21/9/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang nhận định:

- Nhà số 5 Hoàng Hoa Thám cụ Thái Tri đứng tên xin phép xây dựng và được chính quyền chế độ cũ cấp phép ngày 09/5/1967. Nội dung giấy phép nêu rõ cụ Tri được cơi tầng lầu một và lầu hai của ngôi nhà trên lô đất số 389- 44, tờ bản đồ thứ 28 Rạch Giá là đất tư nhân do đương sự sở hữu chủ. Do đó, nhà này là tài sản của cụ Thái Tri.

- Nhà số 122 Nguyễn Hùng Sơn: cố Thái Anh đứng tên tại bằng khoán điền thổ số 320 ngày 25/6/1935.

Bị đơn cho rằng nhà này là tài sản của cố Thái Cẩm An nhờ cố Thái Anh quản lý hộ, sau này khi cụ Thái Thuần Hy lớn sẽ giao cụ Hy để quản lý thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, khi cố Thái Anh chết thì cụ Hy 69 tuổi nhưng cụ Hy chưa được đứng tên sở hữu nhà. Hơn nữa, tại Tờ xác nhận của Hội đồng gia tộc ngày 20/8/1987 cụ Hy khai nguồn gốc nhà là của cố Thái Anh để lại quyền thừa kế cho cụ. Do đó, trình bày trên của bị đơn là không có cơ sở. Bị đơn còn cho rằng cụ Hy có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo nội dung Tờ xác nhận của Hội đồng gia tộc ngày 20/8/1987, nhưng các con cụ Thái Tri không ký Tờ xác nhận trên nên không có giá trị pháp lý. Do đó, cụ Hy làm thủ tục ủy quyền cho con trai là ông Thái Tuấn Thạnh kê khai xin cấp sở hữu nhà và ông Thạnh được cấp sở hữu nhà là không có giá trị. Vì vậy, nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn là di sản thừa kế của cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng.

- Trích công sức bảo quản, duy trì di sản cho các bị đơn 28,5m2 đất (tổng diện tích là 270,5m2 đất) và giao các bị đơn quản lý sử dụng toàn bộ nhà đất, thanh toán kỷ phần cho các đồng thừa kế khác.

Từ đó quyết định giao các bị đơn (là con cụ Thái Thuần Hy) quản lý, sử dụng toàn bộ nhà, đất và thanh toán kỷ phần cho các thừa kế khác 1.113.200.000 đồng.

Ngày 28,29/9/2009 các bị đơn kháng cáo cho rằng nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn không phải là di sản thừa kế của vợ chồng cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng.

Ngày 05/10/2009 các nguyên đơn kháng cáo yêu cầu được chia hiện vật.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 16/2010/DS-PT ngày 02/02/2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định:

Tại Đơn thỉnh nguyện ngày 06/7/1960 cụ Thái Tri xác định cố Thái Anh đứng tên hai bằng khoán điền thổ số 228 và số 320, nay vì thất lạc nên xin cấp lại. Tại Giấy báo nộp thuế ngày 30/03/1965, cơ quan thuế chế độ cũ báo cho cố Thái Anh là chủ sở hữu 2 căn nhà (đường Hoàng Hoa Thám và số 13 góc đường Gia Long, Thiệu Trị) có nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, xác định 2 căn nhà trên là tài sản do vợ chồng cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng tạo lập.

Nhà số 5 Hoàng Hoa Thám cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng đã cho cụ Thái Tri; cụ Thái Tri đứng tên chủ sở hữu từ ngày 09/5/1967 nên không còn là tài sản của vợ chồng cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng.

Nhà số 122 Nguyễn Hùng Sơn: Cụ Thái Thuần Hy ở và có công nuôi dưỡng cha mẹ, vợ chồng cố Thái Cẩm An và em ruột là cụ Thái Thị Lượng bị bệnh tâm thần, đến khi những người này chết. Năm 1987 cụ Hy xây dựng nhà mới và ngày 29/9/1989 được Ủy ban nhân dân thị xã Rạch Giá công nhận cụ Hy có quyền sở hữu nhà. Năm 1994 cụ Hy làm thủ tục sang tên nhà, đất cho con là ông Thái Tuấn Thạnh, ông Thạnh đã được công nhận là chủ sở hữu nhà đất. Suốt quá trình cụ Hy quản lý, sử dụng nhà đất như trên các con cụ Thái Tri không phản đối, chỉ sau khi cụ Thái Tri chết (năm 1987) các con cụ Thái Tri mới tranh chấp. Do đó, xác định hai cố đã chia cho cụ Thái Tri nhà số 5 Hoàng Hoa Thám, chia cho cụ Hy nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn. Tờ xác nhận của Hội đồng gia tộc ngày 20/08/1987 tuy không có giá trị pháp luật nhưng có giá trị phản ánh thực tế khách quan là cụ Hy đã được cha mẹ cho nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn. Vì vậy, xác định nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn không còn là di sản thừa kế của vợ chồng cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng.

Từ đó quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của các nguyên đơn.

Sau khi xét xử phúc thẩm, các nguyên đơn có đơn khiếu nại yêu cầu xác định nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn là di sản thừa kế của vợ chồng cố Thái Cẩm Anh, cố Nguyễn Thị Liêng để chia thừa kế.

Tại Quyết định số 100/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 16/8/2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm số 16/2010/DS-PT ngày 02/02/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; hủy bản án dân sự sơ thẩm số 03/2009/DSST ngày 21/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xác minh, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

Sinh thời cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng có tài sản là căn nhà số 5 Hoàng Hoa Thám diện tích 19m2, căn nhà số 13 Đường Thiệu Trị (nay là 122 Nguyễn Hùng Sơn) tọa lạc trên diện tích đất 270,5m2. Cố Thái Anh chết năm 1975, cố Liêng chết năm 1977 không để lại di chúc. Phía nguyên đơn với tư cách là người thừa kế của cụ Thái Tri có đơn yêu cầu được chia di sản thừa kế của cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng và cho rằng căn nhà số 5 Hoàng Hoa Thám, khi cố Thái Anh và cố Liêng còn sống đã cho cụ Tri đứng tên là chủ sở hữu từ năm 1967, căn nhà này chỉ có 19m2, trong khi căn nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn có diện tích 270,5m2 (lớn hơn 14 lần). Bị đơn thừa nhận tài sản như nguyên đơn trình bày, nhưng cho rằng khi còn sống cố Thái Anh đã chia cho cụ Thái Tri căn nhà số 5 Hoàng Hoa Thám, căn nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn đã chia cho cụ Hy, do vậy đây không phải là di sản thừa kế như yêu cầu của nguyên đơn, đề nghị được giữ nguyên nhà đất số 122 Nguyễn Hùng Sơn.

Xét thấy, căn nhà số 05 Hoàng Hoa Thám các bên đều thừa nhận Cố Anh đã cho cụ Tri và không tranh chấp, nên Toà án không xem xét là đúng.

Đối với căn nhà số 122 Nguyễn Hùng Sơn: Theo bằng khoán điền thổ số 320 ngày 25.6.1935 thì cố Thái Anh là chủ sở hữu, hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào xác định cố Thái Anh đã chuyển sở hữu căn nhà cho cụ Hy. Đến thời điểm cố Thái Anh và cố Liêng chết thì nhà đất chưa chuyển dịch sang tên cho ai, vì vậy căn nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn là di sản của cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng để lại chưa chia. Toà án cấp sơ thẩm xác định căn nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn là di sản thừa kế của cố Thái Anh và cố Liêng là đúng, nhưng cụ Hy đã có công bảo quản, gìn giữ di sản, đồng thời có công nuôi cố Liêng, cố Thái Anh, cụ Lượng là người bị nhược điểm về mặt thể chất đến khi chết, thờ cúng vợ chồng cố Thái Anh, và cụ Lượng nên trích chia phần công sức là có căn cứ, nhưng chỉ trích chia cho các con cụ Hy 28,5m2/270,5m2 là chưa thoả đáng. Còn Toà án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của các bị đơn, cụ Hy là con trưởng ở với bố mẹ, năm 1987 xây dựng lại nhà cũng như việc năm 1989 cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận cụ Hy là chủ sở hữu căn nhà và đất, để xác định căn nhà và đất số 122 Nguyễn Hùng Sơn vợ chồng cố Thái Anh đã cho cụ Hy là chưa phù hợp với pháp luật. Mặt khác, chính ông Thái Tuấn Khanh (con cụ Hy) là một trong những bị đơn thừa nhận các bên tranh chấp từ năm 1988 nhưng năm 1989 cụ Hy vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất nhưng chưa được Toà án các cấp xác minh làm rõ trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Căn cứ Đơn thỉnh nguyện đề ngày 06/7/1960 do cụ Thái Tri lập có nội dung xác định cố Thái Anh đứng tên hai bằng khoán điền thổ số 228 và số 320, nay vì thất lạc nên xin cấp lại; căn cứ Giấy báo nộp thuế ngày 30/03/1965 của cơ quan thuế chế độ cũ thông báo cho cố Thái Anh là chủ sở hữu 2 căn nhà (đường Hoàng Hoa Thám và số 13 góc đường Gia Long, Thiệu Trị) có nghĩa vụ nộp thuế; căn cứ các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì có đủ cơ sở xác định 2 căn nhà trên (hiện nay là nhà số 5 Hoàng Hoa Thám và nhà số 122 Nguyễn Hùng Sơn) là tài sản do vợ chồng cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng tạo lập. Cố Thái Anh chết năm 1975, cố Liêng chết năm 1977 đều không để lại di chúc.

Nhà số 5 Hoàng Hoa Thám cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng đã cho cụ Thái Tri sử dụng riêng và cụ Thái Tri đã hoàn thành thủ tục đứng tên chủ sở hữu từ ngày 09/5/1967.

Nhà số 122 Nguyễn Hùng Sơn là nơi vợ chồng cụ Thái Thuần Hy ở cùng cha mẹ và có công chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; nuôi dưỡng vợ chồng cố Thái Cẩm An (là anh ruột cố Thái Cẩm Anh vì hai cố không có con) và nuôi em một là cụ Thái Thị Lượng bị bệnh tâm thần, đến khi những người này chết. Ngày 30/3/1987 cụ Thái Thuần Hy được Sở Nhà đất và Công trình đô thị tỉnh Kiên Giang cấp giấy cho phép sửa chữa cải tạo nhà. Cụ Hy phá nhà cũ của hai cố xây dựng nhà mới, khi đó cụ Thái Tri còn sống (cụ Thái Tri chết ngày 24/6/1987). Ngày 25/9/1989, Ủy ban nhân dân thị xã Rạch Giá công nhận cụ Thái Thuần Hy là chủ sở hữu nhà. Tại Giấy phép ủy quyền nhà số 576/UB.GP ngày 09/10/1990 Ủy ban nhân dân thị xã Rạch Giá cho phép cụ Thái Thuần Hy chuyển sở hữu căn nhà sang cho con trai là ông Thái Tuấn Thạnh. Tại Giấy sang tên nhà ngày 21/5/1994 Sở xây dựng tỉnh Kiên Giang công nhận ông Thái Tuấn Thạnh là chủ sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Ngày 11/6/1994 các nguyên đơn là con cụ Thái Trí khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của vợ chồng cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng.

Như vậy, căn cứ các tài liệu trên có cơ sở xác định vợ chồng cố Thái Anh cố Nguyễn Thị Liêng tạo lập được 2 căn nhà, cụ Thái Tri là con thứ nên hai cố cho căn nhà số 5 Hoàng Hoa Thám (nhỏ hơn); còn căn nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn (lớn hơn) thì hai cố dành cho cụ Thái Thuần Hy vì cụ Hy là con trai trưởng, ở cùng và có công chăm sóc hai cố, chăm sóc bác ruột và em ruột là cụ Lượng bị bệnh tâm thần và còn có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên sau này. Thực tế, khi cụ Thái Thuần Hy phá nhà cũ của hai cố, xây dựng nhà mới thì cụ Thái Tri còn sống nhưng không phản đối, điều này chứng tỏ cụ Thái Tri tôn trọng định đoạt của cha mẹ. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm xác định cố Thái Anh, cố Nguyễn Thị Liêng đã chia cho cụ Thái Tri căn nhà số 5 Hoàng Hoa Thám, chia cho cụ Thái Thuần Hy căn nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn; từ đó bác yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn (là con cụ Thái Tri) là có căn cứ. Vì vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng nhà 122 Nguyễn Hùng Sơn vẫn là di sản của cố Thái Anh và cố Nguyễn Thị Liêng là không có cơ sở.

Bởi các lẽ trên, căn cứ khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH:

1- Không chấp nhận Quyết định số 100/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 16/8/2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 16/2010/DSPT ngày 02/02/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Thái Bích Lan, ông Thái Hoàng Huân, bà Thái Bích Phượng, bà Thái Bích Thủy, ông Thái Hoàng Dũng, ông Thái Hoàng Long, bà Thái Bích Dung, ông Thái Vĩnh Lộc, bà Thái Bích Loan với bị đơn là bà Thái Thị Sáu, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thái Tuấn Khanh và ông Thái Tuấn Thạnh.

2- Giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 16/2010/DSPT ngày 02/02/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/545500/3377352

 

Đang xử lý...

.