Mã số 43: Quyết định giám đốc thẩm số 10/2013/KDTM-GĐT

12:01:00 08/01/2010

Quyết định giám đốc thẩm số 10/2013/KDTM-GĐT ngày 25/04/2013 về vụ án kinh doanh thương mại "Tranh chấp về hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn Ngân hàng TMCP Công thương Viêt Nam và bị đơn Công ty cổ phần xây dựng 16 – Vinaconex

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Ngày 25 tháng 4 năm 2013, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại “tranh chấp về hợp đồng tín dụng” giữa các đương sự:

Nguyên đơnNgân hàng TMCP Công thương Viêt Nam; có trụ sở chính tại: số 108 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phổ Hà Nội; do ông Trần Ngọc Bắc - Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại Nghệ An làm đại diện theo Giấy ủy quyền số 009/CV-NHCT18 ngày 02/01/2009 của Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Bị đơnCông ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex; có trụ sở tại: số 03 Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; do ông Đặng Thái Thuận - Phó giám đốc Công ty làm đại diện theo Giấy ủy quyền ngày 08/4/2008 của Giám đốc Công ty.

Người cỏ quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

-   Xí nghiệp xây dựng 4 (thuộc Công ty cổ phần xây dựng Vinaconex); có trụ sở tại: khối 3, phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; do ông Nguyễn Hồng Tâm, nguyên Giám đốc Xí nghiệp làm đại diện.

-   Ông Trần Quốc Toản và bà Phạm Thị Nga (vợ ông Toản); đều trú tại: khối Trung Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

-   Ông Nguyễn Ngọc Hòa; trú tại: 44 Lê Hồng Phong, phường Đông Sơn, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

NHẬN THẤY:

Theo đơn khởi kiện đề ngày 18/12/2006 của nguyên đơn - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ  vụ án thì thấy:

Ngày 14/5/2001, Ngân hàng Công thương Việt Nam (nay là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, sau đây gọi tắt là Ngân hàng) - Chi nhánh Nghệ An và Xí nghiệp xây dựng 4 - Công ty Xây dựng số II (nay là Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex) do ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Xí nghiệp làm đại diện ký Hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD vay 2 tỷ đồng, lãi suất 0,75%/tháng, thời hạn cho vay từ 14/5/2001 đến 14/8/2005, mục đích vay để đầu tư mua máy móc thiết bị nâng cao năng lực thi công; tài sản bảo đảm là toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay, 02 ngôi nhà và quyền sử dụng đất của 02 thành viên trong Xí nghiệp là ông Nguyễn Hồng Tâm (nguyên Giám đốc Xí nghiệp 4) và ông Trần Quốc Toản (nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp 4).

Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An đã duyệt và giải ngân cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay tổng số tiền là 1.905.976.000 đồng.

Do kinh doanh thua lỗ, Xí nghiệp xây dựng 4 không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng đã xử lý phát mại một phần tài sản thế chấp và bảo lãnh để thu hồi nợ được 779.078.000 đồng. Một trong những tài sản bảo đảm chưa bị Ngân hàng xử lý thu hồi nợ là nhà ở và quyền sử dụng đất của gia đình ông Trần Quốc Toản và bà Phạm Thị Nga (vợ ông Toản) bảo lãnh cho số tiền vay 296.000.000 đồng tại Ngân hàng. Đến nay ông Toản đã trả được một phần nợ vay bảo lãnh là 750.000.000 đồng, hiện còn dư nợ gốc bảo lãnh là 221.000.000 đồng.

Tổng dư nợ gốc và lãi vay của Xí nghiệp xây dựng 4 đến ngày khỏi kiện là 1.382.040.000 đồng, trong đó nợ gốc là 1.126.898.000 đồng, nợ lãi là 255.142.000 đồng.

Do hiện nay Xí nghiệp xây dựng 4 trực thuộc Công ty cổ phần xây dựng 16-Vinaconex nên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ nói trên, đồng thời yêu cầu Tòa án xử lý tài sản đã thế chấp, bảo lãnh để thu hồi nợ cho Ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Thuận - Giám đốc Công ty xây dựng số II (nay là Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex) trình bày: Ngàỵ 25/02/2001, ông Bạch Văn Thìn là Giám đốc Công ty có làm Công văn số 23 về việc nhất trí cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay vốn tại Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An. Nhưng ngày 13/3/2001, ông Thuận được bổ nhiệm làm Giám đốc thay ông Bạch Văn Thìn, đã không đồng ý cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay vốn Ngân hàng nữa. Khi đó, Xí nghiệp xây dựng 4 mới ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng ngày 14/5/2001, đến ngày 05/6/2001 và ngày 14/12/2001 mới rút tiền từ Ngân hàng. Thời điểm đó ông Thuận không bảo lãnh hay ký một văn bản nào cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay vốn. Ngân hàng cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay vốn sai nguyên tắc thì phải tự chịu trách nhiệm, Công ty cổ phấn xây dựng 16 - Vinaconex không chịu trách nhiệm.

Ông Bạch Văn Thìn, nguyên Giám đốc Công ty xây dựng số II (nay là Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex) trình bày: Xí nghiệp xây dựng 4 được Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An duyệt dự án cho mua sắm thiết bị chuyên dùng để sản xuất kinh doanh. Để thực hiện dự án, theo đề nghị của Xí nghiệp xây dựng 4 và sau khi tham khảo ý kiến của các phòng nghiệp vụ, ông Thìn đã ký văn bản gửi và được Ngân hàng đồng ý cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay vốn theo dự án với điều kiện: 1/ Lấy hồ sơ đất và tài sản trên đất mà văn phòng Xí nghiệp được Công ty cấp để làm thế chấp với Ngân hàng; 2/ Lấy sổ thiết bị mua được theo dự án làm thế chấp với Ngân hàng. Như vậy, Xí nghiệp xây dựng 4 vay vốn theo dự án nhưng có thế chấp đầy đủ bằng tài sản, nếu không có khả năng trả nợ thì thu hồi tài sản đã thế chấp theo hợp đồng. Phía Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex có trách nhiệm liên đới đối với khoản nợ của Xí nghiệp xây dựng 4.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, nguyên Giám đốc Xí nghiệp xây dựng 4 trình bày: Ông Tâm thừa nhận việc vay vốn đúng như đại diện Ngân hàng trình bày. Số tiền Xí nghiệp xây dựng 4 vay là theo dự án của Uy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nhằm nâng cấp năng lực sản xuất của Xí nghiệp xây dựng 4. Do trong quá trình thi công công trình, Xí nghiệp còn nợ tiền tại Quảng Bình nên bị giữ 03 máy đã cầm cố cho Ngân hàng. Ông Tâm sẽ có trách nhiệm quyết toán với Tổng công ty để trả cho chủ nợ và lấy máy móc về cho Ngân hàng xử lý thu hồi nợ, đồng thời phía Công ty cũng phải chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Quốc Toản, nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp xây dựng 4 trình bày: Lúc đó Xí nghiệp xây dựng 4 cần vốn để thực hiện dự án, vì trách nhiệm chung, ông Toản đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ là Phạm Thị Nga để ký hợp đồng bảo lãnh số tiền vay cho Xí nghiệp là 296.000.000 đồng. Khi ông ký hợp đồng bảo lãnh trên vợ ông không biết, không ký tên và cũng không ủy quyền cho ông ký thay. Do ông xác định trách nhiệm của mình đối với hợp đồng bảo lãnh nên ông đã trả được cho Ngân hàng 75.000.000 đồng. Hiện ông không có khả năng bảo lãnh để trả nợ thay cho Xí nghiệp xây dựng 4 nữa, mà Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex phải chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng, đồng thời khi Xí nghiệp xây dựng 4 thu hồi được công nợ thì phải thanh toán cho ông số tiền 75.000.000 đồng mà ông đã trả thay.

Bà Phạm Thị Nga (vợ ông Toản) trình bày: ông Toản đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà để ký hợp đồng bảo lãnh vốn vay cho Xí nghiệp xây dựng 4 nhưng bà không được biết. Chữ ký “Phạm Thị Nga” tại mục đại diện đồng sở hữu trong hợp đồng bảo lãnh không phải chữ ký của bà. Bà Nga không đồng ý xử lý tài sản của bà và yêu cầu Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa trình bày: ông thừa nhận do ông Nguyễn Hồng Tâm còn nợ tiền vật liệu và tiền công của ông cùng một số người khác ở Quảng Bình nên ông Tâm đã thế chấp cho ông 02 chiếc máy gồm: 01 máy ủi hiệu COMATSU; 01 máy lu rung hiệu SAKAI đều do Nhật Bản sản xuất. Khi ông Tâm thanh toán đủ tiền nợ cho ông và mọi người thì ông sẽ giao lại sổ máy trên cho ông Tâm đúng hiện trạng khi nhận và địa điểm ông Tâm yêu cầu.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2008/KDTM-ST nsày 27/10/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã căn cứ vào các Điều 122 127 132. 137, 141, 332, 333, 336, 337, 471, 474, 476 Bộ luật dân sự, quyết định:

- Buộc Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex phải thanh toán cho Ngân hàng Công thương Việt Nam (ủy quyền Chi nhánh tại Nghệ An) số tiền là 1.382.040.000 đồng. Trong đó: nợ gốc là 1.126.898.000 đồng, nợ lãi là 255.142.000 đồng.

- Buộc Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex phải thanh toán cho ông Trần Quốc Toàn số tiền là 75.000.000 đồng.

- Hợp đồng bảo lãnh số 02/HĐTC ngày 10/5/2001 giữa Ngân hàng Công thương (Chi nhánh tại Nghệ An) với ông Trần Quốc Toản vô hiệu.

- Bảo thủ hai chiếc máy, trong đó:

+ 01 chiếc máy ủi hiệu COMATSU do Nhật Bản sản xuất.

+ 01 máy lu rung hiệu SAKAI do Nhật Bản sản xuất.

Hiện ông Nguyễn Ngọc Hòa ở số 30 Hồng Phong, phường Đồng Son, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đang quản lý để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex và ông Nguyễn Ngọc Hòa đều có đơn kháng cáo.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 95/2009/KDTM-PT ngày 07/7/2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã căn cứ vào khoản 1,2 Điều 275, khoản 1 Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự, quyết định (tóm tắt):

- Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn là Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex; không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Ngọc Hòa, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là Ngân hàng Công thương Việt Nam.

- Giữ nguyên quyết định của Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2008/KDTM-ST ngày 27/10/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An phần liên quan đến trách nhiệm của Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex và trách nhiệm của ông Nguyễn Ngọc Hòa. Sửa bản án sơ thâm phân liên quan đến trách nhiệm bảo lãnh của ông Trần Quốc Toản; như sau:

Áp dụng các Điều 141, 471, 474, 476 Bộ luật dân sự, xử: Buộc Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex phải thanh toán trả nợ Ngân hàng Công thương Việt Nam (đã ủy quyền cho Chi nhánh tại Nghệ An) số tiền nợ 1.382.040.000 đồng, trong đó nợ gốc 1.126.898.000 đồng, nợ lãi 255.142.000 đồng.

Áp dụng các Điều 122, 132, 135 và 136 Bộ luật dân sự, tuyên bố: Hợp đồng bảo lãnh số 02/HĐBL ngày 10/5/2001 giữa Chi nhánh Ngân hàng Công thương Nghệ An và ông Trần Quốc Toản vô hiệu phần liên quan đến bà Phạm Thị Nga (vợ ông Toản), phần còn lại vẫn có hiệu lực. Ông Toản phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng bảo lãnh, trả cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương tại Nghệ An số tiền nợ bảo lãnh là 296.000.000 đồng, ông Toản đã trả được

75.000.000  đồng, còn phải trả tiếp số tiền 221.000.000 đồng nữa để cùng với Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex trả đủ cho Ngân

hàng tổng số tiền 1.382.040.000 đồng.

Tuyên bố kê biên ½  giá trị nhà ở và quyền sử dụng đất của ông Toàn, bà Nga nêu trong Hợp đồng bảo lãnh số 02/HĐBL ngày 10/5/2001 cho đến khi ông Toản thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh.

Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh ông Toản có quyền yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex trả lại cho ông số tiền ông đã trả nợ thay Công ty cho Ngân hàng và có quyền yêu cầu Ngân hàng trả lại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Toản, bà Nga.

Áp dụng các Điều 332, 333, 336 và 337 Bộ luật dân sự, tuyên bố: Bảo thủ 01 chiếc máy ủi hiệu Comatsu và 01 chiếc máy lu rung hiệu Sakai do Nhật Bản sản xuất hiện do ông Nguyễn Ngọc Hòa quản lý theo các văn bản thỏa thuận và biên bản tạm giữ tài sản ngày26/6/2002 và ngày 27/7/2003 giữa ông Hòa và đại diện Xí nghiệp xây dựng số 4 và Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 23/9/2008 giữa đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, ủy ban nhân dân phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, ông Hòa và ông Toản để bảo đảm thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex và vợ chồng ông Trần Quốc Toản, bà Phạm Thị Nga đều có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị số 19/2012/KDTM-KN ngày 02/7/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 95/2009/KDTM-PT ngày 07/7/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu ý kiến nhất trí với quyết định kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

   1-Về việc vay tiền của Xí nghiệp xây dựng 4: Xí nghiệp xây dựng 4 là đơn vị trực thuộc Công ty xây dựng số II Nghệ An (nay là Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tại Văn bản số 3400/CV-UB ngày 04/12/2000; ý kiến của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An tại Văn bản số 43/CV-SKH ngày 17/01/2001; Quyết định số 02/QĐ-CT ngày 09/02/2001 của Công ty xây dựng số II Nghệ An về việc phê duyệt dự án đầu tư “Mua sắm máy móc thiết bị của Xí nghiệp xây dựng 4” và đề nghị của Xí nghiệp xây dựng 4, ngày 25/02/2001, Tổng giám đốc Công ty xây dựng số II Nghệ An có Văn bản số 23 CV/TCT thông báo cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Nghệ An (nay là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An) biết việc Công ty đồng ý cho Xí nghiệp xây dựng 4 trực tiếp vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Nghệ An.

Theo tài liệu do Công ty xây dựng số II Nghệ An xuất trình thì ngày 26/3/2001, Công ty xây dựng số II có Công văn số 263 CV/XD2.TCKT quy định về việc vay vốn tín dụng của các đơn vị trực thuộc và ngày 06/4/2001, Công ty xây dựng số II Nghệ An có Công văn số 064CV/XDII.TCKT gửi Chi nhánh Ngân hàng Công thương Nghệ An trong đó có nội dung “đề nghị Ngân hàng Công thương Nghệ An không cho các Xí nghiệp thuộc Công ty xây dựng số II Nghệ An vay vốn khi chưa có bảo lãnh vay vốn của Công ty kể từ ngày 06/4/2001...” và “Các văn bản của Công ty liên quan tới vay vốn tại Ngân hàng Công thương Nghệ An ban hành trước ngày 06/4/2001 đều bãi bỏ”, nhưng ngày 14/5/2001 Ngân hàng vẫn ký Hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay tiền. Vì vậy, Công ty xây dựng số II (nay là Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex) không đồng ý thanh toán nợ gốc và lãi theo yêu cầu của Ngân hàng. Còn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trình bày: Do không nhận được Công văn số 064CV/XDII.TCKT ngày 06/4/2001 của Công ty xây dựng số II Nghệ An nên đã ký Hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD ngày 14/5/2001 cho Xí nghiệp xây dựng 4 thuộc Công ty xây dựng số II Nghệ An vay 2.000.000.000 đồng và đã giải ngân cho Xí nghiệp xây dựng 4 với tổng số tiền là 1.905.976.000 đồng. Công ty xây dựng số II không cung cấp được tài liệu để chứng minh Ngân hàng đã nhận được Công văn số 064CV/XDII.TCKT ngày 06/4/2001.

Khi nhận được tiền, Xí nghiệp xây dựng 4 đã mua máy móc phục vụ công việc được Công ty giao và “cứ 6 tháng Xí nghiệp có báo cáo tài chính một lần” nên Ban giám đốc Công ty đều biết việc vay vốn Ngân hàng của Xí nghiệp xây dựng 4 và không phản đối. Hơn nữa, ngày 28/10/2002, Công ty xây dựng số II Nghệ An có Công văn số 44 QĐ/CTII điều chuyển một số máy móc, phương tiện vận tải của Xí nghiệp xây dựng 4 (trong đó có một số thiết bị, máy móc hình thành từ vốn vay Ngân hàng theo hợp đồng tín dụng trên) về văn phòng cơ quan để phục vụ thi công một số công trình do Công ty thực hiện.

Mặt khác, ngày 29/10/2004, Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex có văn bản (thư xác nhận số dư) yêu cầu Ngân hàng Công thương Nghệ An xác nhận công nợ của Xí nghiệp xây dựng 4 Công ty xây dựng số II Nghệ An tính đến ngày 30/6/2004; Chi nhánh Ngân hàng Công thương Nghệ An đã xác nhận vào Thư xác nhận dư nợ: Xí nghiệp xây dựng 4 còn nợ 1.731.000.000 đồng.

Như vậy, sau khi Xí nghiệp xây dựng 4 vay tiền Ngân hàng, Công ty xây dựng số II Nghệ An biết và không phản đối nên Công ty xây dựng số II Nghệ An (nay là Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex) phải chịu trách nhiệm trả khoản nợ này. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty cổ phần xây dựng 16 - Vinaconex phải trả khoản tiền nợ gốc và lãi (1.382.040.000 đồng) cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là có căn cứ.

               2-Xét Hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản để vay vốn ngân hàng số 02/HĐBL ngày 10/5/2001 giữa ông Trần Quốc Toản (Bên bảo lãnh - Bên A) với Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An (Bên nhận bảo lãnh - Bên B) và Xí nghiệp xây dựng 4 (Bên được bảo lãnh - Bên C) (được đăng ký tại UBND phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 10/5/2001) thấy: Theo hợp đồng bảo lãnh, ông Toản dùng nhà ở 2 tầng (và đất - viết thêm) trị giá 424.000.000 đồng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q278344 ngày 29/12/2000 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An cấp cho bà Phạm Thị Nga để bảo lãnh cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay 296.000.000 đồng/ 2.000.000.000 đồng theo Hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD ngày 14/5/2001 giữa Ngân hàng với Xí nghiệp xây dựng 4. Trong hợp đồng bảo lãnh, đại diện chủ sở hữu có chữ ký của cả ông Toản và bà Nga, nhưng theo ông Toản trình bày thì chữ ký và chữ viếtPhạm Thị Nga ở mục “Bên bảo lãnh - Đại diện đồng sở hữu” trong hợp đồng bảo lãnh là do ông Toàn ký và viết; bà Nga không thừa nhận chữ ký và chữ viết của mình trong hợp đồng bảo lãnh và theo bà Nga trình bày thì bà không biết việc ông Toản bảo lãnh cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay tiền; đại diện Ngân hàng không khẳng định đó là chữ ký và chữ viết của bà Nga. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh việc Ủy ban nhân dân phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An xác nhận đăng ký thế chấp bảo lãnh của ông Toản và bà Nga và cũng không tiến hành giám định chữ viết và chữ ký mang tên Phạm Thị Nga ở mục: “Bên bảo lãnh - Đại diện đồng sở hữu” trong hơp đồng bảo lãnh mà đã xác định hợp đồng bảo lãnh bị vô hiệu toàn bộ là chưa đủ căn cứ.

Tòa án cấp phúc thẩm xác định tài sản mà ông Toản đem bảo lãnh là tài sản chung của ông Toản, bà Nga nhưng lại tuyên bố hợp đồng bảo lãnh “vô hiệu phần liên quan đến bà Phạm Thị Nga (vợ ông Toản), phần còn lại vẫn có hiệu lực” là không đúng. Bởi theo quy định tại Điều 144, Điều 232, Điều 233 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là Điều 135, Điều 217, Điều 219 Bộ luật dân sự năm 2005) thì tài sản chung của vợ chồng bị vô hiệu từng phần khi “một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của giao dịch”. Trong trường hợp này, tài sản mà ông Toản đem thế chấp, bảo lãnh do bà Nga đứng tên trong giấy chứng nhận; tài sản này là tài sản chung của vợ chồng hay của riêng bà Nga chưa được Tòa án các cấp làm rõ; khối tài sản này không thể phân chia. Mặt khác, nếu xác định tài sản chung của vợ chồng thì theo quy định tại khoản 2 Điều 237 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là khoản 2 Điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005) “việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”. Nếu hợp đồng bảo lãnh chỉ có mình ông Toản ký, bà Nga không ký và không biết việc ông Toản bảo lãnh cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay tiền Ngân hàng và sau đó bà Nga không đồng ý thì hợp đồng bảo lãnh bị vô hiệu toàn bộ chứ không phải bị vô hiệu một phần như Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định, quyết định.

3-Tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 23/9/2008 có xác định 01 máy lu rung hiệu Sakai và 01 máy ủi hiệu Comatsu do Nhật Bản sản xuất hiện đang do ông Nguyễn Ngọc Hòa quản lý. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên “bảo thủ” 02 chiếc máy trên là chưa thật chính xác; lẽ ra phải tuyên ông Hòa có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố này mới đúng.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011),

QUYẾT ĐỊNH:

Hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 95/2009/KDTM-PT ngày 07/7/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2008/KDTM-ST ngày 27/10/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/545500/3377352

 

Đang xử lý...

.