Đánh kẻ cướp có vi phạm pháp luật không?

11:12:00 02/12/2016

Hỏi: Khi gặp kẻ cướp uy hiếp mình, mình tấn công lại thì có vi phạm pháp luật? Vì bảo vệ người khác khi bị kẻ cướp uy hiếp, mình tấn công kẻ cướp thì có vi phạm pháp luật?

Khoản 1 Điều 15 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Việc xác định một hành vi nào là phòng vệ chính đáng, hay vượt quá phòng vệ chính đáng, hay không phải là phòng vệ chính đáng trên thực tiễn không hề đơn giản. Đôi khi ranh giới này rất mong manh.

Một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội, hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.

2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại, hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

3. Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.

4. Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.

Theo khoản 2 Điều 15 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, để biết đánh cướp có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không ta cần làm rõ được hành vi này là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Phòng vệ chính đáng là hành vi đáp ứng được những điều kiện đã nêu ở trên, trong trường hợp này thì người đánh cướp không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu các bạn còn băn khoăn về những thủ tục pháp lý hoặc cần giải đáp thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí và được cung cấp những dịch vụ tốt nhất theo địa chỉ:

Địa chỉ : 216 Nguyễn Cao, Khu Hòa Đình, Phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh.

Điện thoại : 02413.811.077

Email : [email protected]

 

 

Đang xử lý...

.