Cục CSGT giải thích về xử lý lỗi xe 'không chính chủ'

11:11:00 30/11/2016

Bắt đầu từ 1/1/2017, Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô căn cứ theo Điểm b, Khoản 1, Điều 30 và  Khoản 3, Điều 80 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Giải thích rõ hơn về quy định này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) được Báo Công an nhân dân dẫn lời cho biết, việc xử lý đối với chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe.

Điều này đồng nghĩa với việc người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn để tham gia  giao thông không bị xem xét, xử lý về hành vi vi phạm này.

Việc sang tên đổi chủ là việc làm tất yếu, đúng theo quy định của pháp luật và từ đó phục vụ công tác quản lý phương tiện, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người dân… Việc xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ cho phương tiện trong các trường hợp pháp luật quy định không phải là mới mà đã được quy định trong các văn bản pháp luật như Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên.

Khoản 3, Điều 34, Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2015 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe nêu rõ: “Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người được giải quyết đăng ký sang tên theo quy định tại Điều 24 Thông tư này đến hết ngày 31/12/2016”.

Như vậy, việc thực hiện quy định xử phạt phương tiện không sang tên đổi chủ đối với xe mô tô bắt đầu từ 1/1/2017 là đúng lộ trình.

Hiện, Cục CSGT đã chỉ đạo CSGT các địa phương vận động người dân trước 31/12 nên làm thủ tục sang tên mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ hoặc chứng từ không đầy đủ. Với trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ, các đơn vị không được để tồn, phải giải quyết trước ngày 1/1/2017.

Người dân khi đi làm thủ tục sang tên đổi chủ cần mang theo hồ sơ gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe.

Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe. Nếu người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ đăng ký sang tên gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; giấy chứng nhận đăng ký xe.

Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe. 

Điểm b, Khoản 1, Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.

 

Đang xử lý...

.