Những bất cập quy định pháp luật hiện nay trong việc giám định hàm lượng chất ma túy

02:07:00 04/07/2018

NHỮNG BẤT CẬP QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN NAY

TRONG VIỆC GIÁM ĐỊNH HÀM LƯỢNG CHẤT MA TÚY

 

I/. Lời nói đầu.

Theo thống kê hiện nay có rất nhiều các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc giải quyết các vụ về án ma túy (1), lý do vì giữa lý luận và thực tiễn còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Nhưng vấn đề được bàn luận, điều chỉnh nhiều nhất xoay quanh việc; Khi thu giữ được tang vật trong vụ án nghi chất ma túy có bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy, hay không giám định hàm lượng ?.... trừ một số trường hợp đặc biệt.

Mặc dù đến nay đã được điều chỉnh, hướng dẫn bằng rất nhiều văn bản dưới luật, nhưng trên thực tế đến nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập; Nội dung ban hành trong văn bản hướng dẫn trái với luật, quy định chung chung nên không thể thực hiện được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử .. dẫn tới có nhiều quan điểm trái chiều khác nhau trong việc áp dụng áp luật.

Bài viết tập trung phân tích những mâu thuẫn, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xoay quanh vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy nói chung và trường hợp buộc phải giám định hàm lượng theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 1 thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ tư pháp.

Rất mong có được ý kiến đóng góp, phản hồi của bạn đọc để hoàn thiện bài viết của tác giả.

II/. Thực tế giải quyết vụ án ma túy từ thời điểm áp dụng BLHS 1999 đến nay.

Trong quy định phần các tội phạm về ma túy theo BLHS 1999, sửa đổi bổ xung 2009, nay được thay thế bằng BLHS 2015. Tại các điều luật tương ứng với tội danh cụ thể đều quy định “ Chất ma túy ...” đây là 03 từ rất chung để mô tả, diễn đạt trong luật nhưng cũng làm cho những người thực thi pháp luật có hai quan điểm hiểu và thực hiện khác nhau;

Quan điểm thứ nhất; Cho rằng “Chất ma túy” phải được hiểu là tinh chất, chứ không phải dạng ma túy tổng hợp, do vậy khi giải quyết vụ án về ma túy phải thực hiện trưng cầu giám định hàm lượng đối với chất ma túy bị thu giữ để làm cơ sở để định khung hình phạt đối với bị can, bị cáo. (Nếu hiểu và thực hiện theo cách này bị can được hưởng lợi).

Quan điểm thứ hai; Lại cho rằng “Chất ma túy” cũng có thể tinh chất, cũng có thể là tổng hợp chất có chứa ma túy (như ma túy tổng hợp) nên khi giải quyết vụ án, không thực hiện giám định hàm lượng, lấy tổng khối lượng ma túy thu giữ được làm căn cứ định khung hình phạt. (Nếu hiểu và thực hiện theo cách này bị can bất lợi).

Rõ ràng cùng một điều luật, một quy định, một khối lượng chất ma túy bị thu giữ giống nhau nhưng kết quả lại khác nhau trong việc nhìn nhận, giải quyết vụ án, không đảm bảo tính thống nhất trong điều tra, truy tố, xét xử.

VD; Một người bị bắt giữ về hành vi mua bán chất ma túy, nếu lấy tổng khối lượng chất ma túy bị thu giữ họ sẽ bị truy tố theo khoản 1. Trường hợp nếu giám định hàm lượng do có tỷ lệ chất ma túy thấp nên họ lại được miễn TNHS.

Để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, phù hợp với công ước quốc tế, đảm bảo quyền con người, đảm bảo nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo, cũng như tránh oan sai trong xét xử.

Ngày 24/12/2007 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP được ban hành có nội dung chỉ đạo chung quy định tại phần I, tiểu mục 1.4;

“ ..1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy...”.

Đây là quy định rất đúng đắn, tuy nhiên trên thực tế thực hiện lại vướng mắc bởi tồn tại sau đây;

Cả nước hiện nay chỉ có Viện khoa học hình sự thuộc bộ Công an mới có đủ máy móc, trang thiết bị để thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy, nên không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn tới hậu quả; Số lượng vụ án tồn đọng lớn do phải chờ kết quả giám định.

Trước thực trạng đó, để tháo gỡ;

Ngày 14/11/2015 Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp ban hành Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi tiểu mục 1.4 trong thông tư 17/2007, có nội dung;

 “ 1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c, Xái thuốc phiện;

d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật...”

Để thống nhất trong việc ghi kết luận giám định; Ngày 29/8/2016  Bộ công an ban hành công văn số 2955/CSĐT(C44) V/v giải quyết các vụ án về ma túy, trong đó hướng dẫn chi tiết cách ghi trong kết luận giám định, tại mục 1;

“ ...1. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTPquy định: “1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được.”.

Vì vậy, đối với những trường hợp không bắt buộc phi trưng cầu giám định để xác định hàm lượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp khi ra Quyết định trưng cầu giám định đối với các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đã thu giữ được thì nội dung yêu cu giám định cần ghi rõ: “Mẫu gửi giám định có phải là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Trọng lượng (khối lượng) của mẫu gửi giám định là bao nhiêu?”.

Đối với cơ quan giám định, trong kết luận giám định phải xác định rõ về chất ma túy để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự; Ví dụ như chất Hêrôin, chất Côcain... Không được kết luận “là chế phẩm Hêrôin” hoặc “có thành phần Hêrôin ...

Sau khi có văn bản hướng dẫn nêu trên ra đời, số vụ án ma túy tồn đọng đã được giải quyết, dựa trên kết luận giám định của các Tổ chức giám định Công an tỉnh thành cả nước.

III/. Những mâu thuẫn, bất cập tồn tại khi áp dụng Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 và công văn 2955/CSĐT(C44) ngày 29/8/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ công an.

- Phải thừa nhận rằng; kể từ khi hai văn bản nêu trên được ban hành đã tháo gỡ được tồn tại về tồn đọng án ma túy, tuy nhiên lại có mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác, cụ thể;

Thứ nhất: Nội dung chỉ đạo tại công văn 2955/CSĐT(C44) ngày 29/8/2016 của cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an trái với Luật giám định tư pháp.

Căn cứ nội dung được trích dẫn nêu trên tại công văn số 2955 nêu trên đã thể hiện rõ việc Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) đã can thiệp chỉ đạo bằng văn bản mang tính bắt buộc trong hoạt động giám định tư pháp. Đây là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại điều 6 luật Giám định tư pháp 2012 do Quốc hội ban hành.

“ ....

2. Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật .

.....

6. Xúi dục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định giám định tư pháp sai sự thật.....”

Trên thực tế số ma túy thu giữ hầu hết đều là ma túy tổng hợp, nếu buộc phải kết luận “chất ma túy” như hướng dẫn tại công văn 2955, đây là nội dung kết luận sai sự thật.

Nội dung hướng dẫn này cũng gây cho giám định viên phải chịu trách nhiệm rất lớn hoặc không muốn thực hiện giám định, khi hiểu về trách nhiệm của mình và hậu quả phải gánh chịu khi ban hành kết luận thiếu chính xác.

Bởi hậu quả oan sai nếu xẩy ra cũng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của giám định viên theo quy định tại điểm g, điều 23 luật giám định tư pháp;

“ g. Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật ...”

(Hiện nay xẩy ra tình trạng nếu giám định viên không hiểu vấn đề này, sẽ vẫn tiến hành giám định bình thường và ban hành kết luận, trường hợp Giám định viên có hiểu vấn đề cũng vẫn phải làm vì nếu không làm sẽ bị cho rằng không chấp hành điều lệnh ngành, nếu làm lại đang mặc nhiên công nhận giá trị áp dụng pháp luật của văn bản hướng dẫn dưới luật cao hơn luật, bên cạnh đó còn luôn lo về trách nhiệm, hậu quả nếu xẩy ra oan sai)

Thực tế nhiều vụ việc đã xẩy ra nếu căn cứ áp dụng tổng khối lượng bị truy trúy TNHS theo khoản 1 của điều luật tương ứng với hành vi phạm tội, nhưng nếu giám định hàm lượng lại chưa đến mức truy cứu TNHS.

Có trường hợp bị truy tố mức hình phạt đặc biệt nghiêm trọng nếu lấy tổng trọng lượng bị xét xử tử hình, nhưng khi giám định hàm lượng lại chuyển điều khoản nhẹ hơn của điều luật, hoặc không bị tử hình.

Thứ hai: Hướng dẫn tại thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 trái với điều 15 luật TTHS.

Nội dung hướng dẫn tại thông tư số 08/2015 sửa đổi thông tư liên tịch số 17/2007 tại mục 1.4 như viện dẫn nêu trên mặc dù đã đáp ứng được nhu cầu thực tế giải quyết án tồn đọng, nhưng lại trái với quy định tại điều 15 BLTTHS 2015;

“ Điều 15. Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội..”.

Bộ luật hình sự 1999 nay được thay thế BLHS 2015 trong mục các tội phạm về ma túy không quy định “ Lấy tổng khối lượng ma túy, kể cả trong trường hợp có pha trộn với các chất khác” để làm căn cứ định khung hình phạt.

Thực tế quá trình điều tra, truy tố, xét xử hiện nay khi thu giữ tang vật trong vụ án nghi chất ma túy (Dạng thể rắn), sau khi có kết luận giám định hầu hết đều không phải là tinh chất ma túy, hầu hết là ma túy tổng hợp. Chứng minh được sự thật này là một căn cứ đặc biệt quan trọng trong các vụ án về ma túy, đó chính là căn cứ pháp lý quan trọng nhất trong vụ án để định khung hình phạt, xác định có tội hay không có tội, bị tử hình hay không bị tử hình.

Nội dung hướng dẫn tại thông tư số 08/2015 có quan điểm chỉ đạo không giám định hàm lượng (trừ 04 trường hợp) sau đó lấy tổng khối lượng làm căn cứ định khung hình phạt đã đáp ứng được giải quyết vụ án tồn đọng nhưng vô hình dung đã chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng cố ý thực hiện sai sự thật, trái với quy định tại điều 15 luật TTHS, gây bất lợi cho bị can, bị cáo.

Bên cạnh đó một vần đề đặt ra nữa là: Tại sao chỉ “Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; Xái thuốc phiện” Thì phải giám định còn các chất ma túy khác có pha các chất khác lại không bắt buộc phải giám định như vậy có bảo đảm công bằng không?

  Thứ ba: Quy định tại điểm d, khoản 1, điều 1 thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 không thực hiện được trong quá trình giải quyết vụ án. “ d. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần”.

Tại tiểu mục 3.5, mục 3, phần II thông tư liên tịch số 17/2007/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định;

“ ...3.5. Chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy; còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là để chữa bệnh (chỉ chứa một hàm lượng nhất định chất ma túy) và được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế..”

Chất ma túy bị cấm sử dụng do để lại hệ quả rất xấu trong xã hội, nhưng ngược lại nó cũng là một biệt dược có tác dụng chữa bệnh và được sử dụng trong y học (chế biến thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện).

Khái niệm nêu trên tại thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT đã phần nào cho chúng ta có cách nhìn nhận bản chất, cách phân biệt giữa chất ma túy và thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Điều này cũng lý giải tại sao khi tra cứu chi tiết bảng danh mục chất ma túy và tiền chất theo (tên quốc tế, tên khoa học) do Chính Phủ ban hành với Bảng danh mục chất gây nghiện, chất hướng thần được sử dụng trong chế biến thuốc do Bộ y tế ban hành lại có mục giống như nhau, hoặc gần giống với nhau.

Do có những khái niệm, hướng dẫn nêu trên, buộc cơ quan điều tra phải chứng minh tang vật thu giữ trong vụ án là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay chất ma túy ...?..

Trên thực tế trong rất nhiều các vụ án tang vật thu giữ thuộc dạng ma túy tổng hợp (các chất ma túy ở thể rắn khác ...) dưới dạng bột hoặc viên có hình dạng tương tự với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Một nguyên tắc bắt buộc khi thu giữ Công an lập biên bản chỉ ghi mô tả tang vật cùng với việc nhận định “Nghi chất ma túy” trên cơ sở đó để ban hành quyết định trưng cầu giám định tại phòng giám định thuộc Công an tỉnh, thành nơi xẩy ra hành vi phạm tội.

Thực trạng hiện nay, các phòng giám định trang thiết bị chưa đủ, đồng thời cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể cách phân biệt giữa thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và chất ma túy. Nên trong quyết định trưng cầu giám định Cơ quan điều tra không được yêu cầu giám định: “Có phải là thuốc gây nghiện ? thuốc hướng thần ? “ .

Nên dù rằng là thuốc gây nghiện, hay thuốc hướng thần, hay chất ma túy khi đưa giám định tại tổ chức giám định cơ sở chắc chắn rằng đều phải ghi như hướng dẫn tại công văn số 2955/CV(C44), không được yêu cầu giám định có phải là thuốc hay không ? dẫn tới kết luận;

“ Tất cả thuốc hay không phải là thuốc, chắc chắn đều có kết luận là chất ma túy”

Bởi chắc chắn có đặc điểm chung dù là thuốc hay chất ma túy thì cũng đều có chứa chất ma túy giống nhau, có chăng chỉ khác về tỷ lệ pha trộn, quy trình sản xuất, quá trình quản lý và mục đích sử dụng.

Để hiểu rõ thế nào là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, văn bản áp dụng thời điểm hiện nay phải đối chiếu quy định tại điều 02 luật dược 2016;

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

2. Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.

3. Nguyên liệu làm thuốc là thành phần tham gia vào cấu tạo của thuốc bao gồm dược chất, dược liệu, tá dược, vỏ nang được sử dụng trong quá trình sản xuất thuốc.

4. Dược chất (còn gọi là hoạt chất) là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng để sản xuất thuốc, có tác dụng dược lý hoặc có tác dụng trực tiếp trong phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người.

5. Dược liệu là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật, khoáng vật và đạt tiêu chuẩn làm thuốc.

6. Thuốc hóa dược là thuốc có chứa dược chất đã được xác định thành phần, công thức, độ tinh khiết và đạt tiêu chuẩn làm thuốc bao gồm cả thuốc tiêm được chiết xuất từ dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả.

7. Thuốc dược liệu là thuốc có thành phần từ dược liệu và có tác dụng dựa trên bằng chứng khoa học, trừ thuốc cổ truyền quy định tại khoản 8 Điều này.

............

17. Thuốc gây nghiện là thuốc có chứa dược chất kích thích hoặc ức chế thần kinh dễ gây ra tình trạng nghiện đối với người sử dụng thuộc Danh mục dược chất gây nghiện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

18. Thuốc hướng thần là thuốc có chứa dược chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng thuộc Danh mục dược chất hướng thần do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

19. Thuốc tiền chất là thuốc có chứa tiền chất thuộc Danh mục tiền chất dùng làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

20. Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện là thuốc có nhiều hoạt chất trong đó có hoạt chất gây nghiện với nồng độ, hàm lượng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

21. Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần là thuốc có nhiều hoạt chất trong đó có hoạt chất hướng thần với nồng độ, hàm lượng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế....”

Điều 03 Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế.

Điều 3. Phân loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt

1. Thuốc gây nghiện bao gồm các loại sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều dược chất gây nghiện hoặc thuốc chứa dược chất gây nghiện phối hợp với dược chất hướng thần và có hoặc không có tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục I, II và III kèm theo Thông tư này.

b) Chứa dược chất gây nghiện (có hoặc không có dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.

2. Thuốc hướng thần bao gồm các loại sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều dược chất hướng thần hoặc thuốc có chứa dược chất hướng thần phối hợp với tiền chất dùng làm thuốc được quy định tại Phụ lục II và III kèm theo Thông tư này.

b) Chứa dược chất hướng thần (có hoặc không có dược chất gây nghiện, tiền chất dùng làm thuốc) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V của Thông tư này, nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.

3. Thuốc tiền chất bao gồm các loại thuốc sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này;

b) Chứa tiền chất dùng làm thuốc (có hoặc không có dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng tiền chất dùng làm thuốc lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này, nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này, nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này.

4. Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa dược chất gây nghiện; hoặc dược chất gây nghiện phối hợp với dược chất hướng thần có hoặc không có tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng của dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc đều nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV, V và VI kèm theo Thông tư này;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

5. Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa dược chất hướng thần hoặc dược chất hướng thần phối hợp với tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc đều nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V và VI kèm theo Thông tư này;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

6. Thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa tiền chất dùng làm thuốc, trong đó nồng độ, hàm lượng tiền chất dùng làm thuốc nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

7. Thuốc và dược chất trong Danh mục thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực:

Các thuốc và dược chất trong Danh mục thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực được lựa chọn theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược (sau đây gọi tắt là Nghị định số 54/2017/NĐ-CP)...”

Căn cứ quy định viện dẫn nêu trên được hiểu; “thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần” bao gồm; Thuốc thành phẩm, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp chứa tiền chất, thuốc và dược chất trong danh mục cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực, mỗi loại có chứa tỷ lệ chất ma túy khác nhau.

Do vậy việc có giám định xác định được “Tỷ lệ chất ma túy” trong tang vật thu giữ cũng không thể chứng minh được, tang vật thu giữ có phải là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay là chất ma túy.

Khi mà tổ chức giám định cơ sở không thể giám định được, bắt buộc trách nhiệm chứng minh tang vật thu giữ có phải là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay không ?... thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra.

Thực tế áp dụng hiện nay lại có hai cách hiểu và thực hiện khác nhau;

Cách 1:  Cơ quan điều tra cho rằng; dù không chứng minh được nhưng kết luận giám định chính là căn cứ, trách nhiệm thuộc về cơ quan giám định, cứ miễn là có kết luận tang vật thu giữ là chất ma túy, có khối lượng cụ thể sẽ được sử dụng để làm căn cứ định khung hình phạt, không cần phải chứng minh nó là thuốc hay không phải là thuốc. Đây là cách mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang áp dụng phổ biến hiện nay để giải quyết vụ án, tránh tồn đọng do thời gian phải chờ giám định lâu.

Cách 2: Đã có hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, điều 1 thông tư liên tịch 08/2015/TTLT phải thực hiện, tang vật thu giữ nghi chất ma túy phải được trưng cầu giám định có phải là thuốc hay không ? Tổ chức giám định cơ sở không làm được thì cơ quan điều tra phải chứng minh, nếu có căn cứ chứng minh là thuốc phải ban hành Quyết định trưng cầu giám định hàm lượng.

Đây là cách áp dụng triệt để quy định của pháp luật;

Tuy nhiên trên thực tế lại không thể thực hiện được, bởi thông thường các vụ án về ma túy chỉ bắt được người mua, không bắt được người bán, hoặc có bắt được người bán cũng không thể truy xét được nguồn gốc tang vật ở đâu ? nên để điều tra số tang vật thu giữ được sản xuất như thế nào ? quá trình vận chuyển, quản lý ra sao ? làm căn cứ đối chiếu theo quy định lại Luật dược hiện hành để xác định những tang vật thu giữ đó được sản xuất, quản lý thuộc dạng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay chất ma túy là điều chắc chắn không thể chứng minh được.

Khi mà trưng cầu giám định không được, điều tra không được ?....

Cơ quan tiến hành tố tụng muốn đảm bảo cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai theo đúng quy định lại phải thực hiện điều khoản tùy nghi được hướng dẫn trong thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT. “ Ngoài các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d tiết 1.4 mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật ..”

Đến đây có thể thấy việc áp dụng quy định tại điểm d, khoản 1, điều 1 của thông tư số 08/2015/TTLT còn thể hiện nhiều khó khăn trên thực tế áp dụng.

Trách nhiệm chứng minh lúc này lại thuộc về Tòa án muốn làm đúng quy định tại điều 15 luật TTHS (xác định sự thật của vụ án) buộc phải ban hành quyết định trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy để làm cơ sở định khung hình phạt khi xét xử.

Án ma túy tiếp tục bị tồn đọng, do vụ án buộc phải tạm đình chỉ, ngoài ra còn kéo theo một loạt các phát sinh khác về chi phí giám định, cán bộ thực hiện, kết quả thi đua khen thưởng ....

Rõ ràng cùng một văn bản hướng dẫn nhưng vẫn tồn tại hai cách thực hiện khác nhau, ra hai kết quả khác nhau.

Kết luận; Muốn làm đúng, cuối cùng vẫn phải quay về việc giám định hàm lượng chất ma túy.... đây là một tồn tại vô cùng bất cập hiện nay.

IV/. Kiến nghị đề xuất hướng giải quyết;

Chúng tôi được biết, trong thời gian thực hiện thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT gặp khó khăn trong việc phải giám định hàm lượng chất ma túy, một số Tỉnh, Thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho Phòng giám định mua sắm trang thiết bị, cử cán bộ đi học nghiệp vụ. Tuy nhiên lúc đã có đủ trang thiết bị lại có thay đổi khi thông tư số 08/2015/TTLT được ban hành, việc giám định hàm lượng không cần thiết nữa, nên máy mua về rất hiếm khi được sử dụng (Điển hình như tại tỉnh Bắc Ninh hiện nay).

Do vậy đảm bảo quyền con người, đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án được chính xác, mang tính thống nhất khi áp dụng theo quy định pháp luật, theo quan điểm của Tác giả, cần tiếp tục thực hiện theo thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP về việc giám định hàm lượng đối với các chất ma túy. Những khó khăn hiện nay về mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác giám định, có thể được thực hiện bằng biện pháp kêu gọi sự hỗ trợ của các tỉnh thành (như tỉnh Bắc Ninh hiện nay), dần tiến tới xã hội hóa hoạt động này thông qua hình thức điều chỉnh Luật giám định tư pháp, chắc chắn sẽ giải quyết được những vướng mắc tồn tại hiện nay./.

Tác giả

Ths. Luật sư. Nguyễn Thành Long

Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh

 

Danh mục tài liệu tham khảo (1):

  1. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999
  2. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội (2012).
  3. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (2016).
  4. Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự năm 1999 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
  5. Nghị quyết 02/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1999.
  6. Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, của  Bộ công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật Hình sự năm 1999.
  7. Công văn số 234/2014/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao, quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư 17/2007 “Về việc bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy”.
  8. Thông báo số 264/2014/TANDTC-TB ngày 29/10/2014 của Tòa án nhân dân tối cao trong đó quy định “Việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc dối với các chất thu giữ nghi là chất ma túy”.
  9. Thông báo 919/VKSTC-VP ngày 05/12/2014 về việc áp dụng Công văn 234/TANDTC ngày 17/9/2014.
  10. Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015sửa đổi, bổ sung một số điểm của thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999.
  11. Thông báo 4575/VKSTC- V4 ngày 16/11/2015 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện TTLT số 08.
  12.  Công văn số 315/TANDTC-PC ngày 11/12/2015 về việc thực hiện TTLT số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung một số điểm của TTLT số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999.
  13.  Thông báo 5078/VKSTC- V4 ngày 23/12/2015 về việc trao đổi một số nội dung trong việc thực hiện TTLT số 08.
  14.  Công văn số 110-CV/BCS ngày 21/6/2016 của ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện TTLT số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung một số điểm của TTLT số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999.
  15.  Công văn 2955/CSĐT (C44) ngày 29/8/2016 Bộ công an về việc giải quyết các vụ án ma túy.
  16.  Công văn 1075/C54 (T22) ngày 01/9/2016 Tổng cục cảnh sát- Viện khoa học Hình sự về việc trả lời kết luận giám định và trích mẫu ma túy gửi giám định.
  17.  Công văn 289/TANDTC-PC ngày 27/9/2016 Tòa án nhân dân tối cáo về việc giám định chất ma túy.
  18. Công văn 2101/C41-C44 ngày 3/7/2017 của Tổng cục cảnh sát về việc giải quyết các vụ án ma túy

Luật sư ​Nguyễn Thành Long

 

Đang xử lý...

.