Mã số: 0015 QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 24/2006/HS-GĐT
12:11:00 22/11/2013
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 24/2006/HS-GĐT
NGÀY 01-8-2006 VỀ VỤ ÁN LƯƠNG HOÀNG MINH
VÀ ĐỒNG BỌN PHẠM TỘI “GIẾT NGƯỜI”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 01 tháng 8 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
1.Lương Hoàng Minh (tên gọi khác là Lương Văn Minh, Minh Lé); sinh ngày 23-5-1986 (khi phạm tội là 17 tuổi 03 tháng 19 ngày); trú tại: tổ 7, ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; trình độ văn hoá: lớp 3/12; nghề nghiệp: làm mướn; con ông Lương Văn Một và bà Nguyễn Thị Ngọ; bị bắt giam ngày 07-9-2003.
2.Nguyễn Thanh Phong (tên gọi khác là La); sinh ngày 20-7-1987 (khi phạm tội là 16 tuổi 01 tháng 12 ngày); trú tại: tổ 1, ấp Láng, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; trình độ văn hoá: lớp 5/12; nghề nghiệp: làm mướn; con ông Nguyễn Ngọc Ánh và bà Nguyễn Thị Bông; bị bắt giam
ngày 07-9-2003.
3.Trang Duy Cường (tên gọi khác là Yêm); sinh ngày 10-9-1988 (khi phạm tội là 14 tuổi 11 tháng 22 ngày); trú tại: tổ 1, ấp Láng, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; trình độ văn hoá: lớp 5/12; nghề nghiệp:
làm mướn; con ông Trang Văn Cu và bà Nguyễn Thị Giang; bị bắt giam
ngày 05-9-2003.
Người bị hại: chị Nguyễn Thị Bích Chi; sinh năm 1987 (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Nguyễn Văn Chánh (là bố chị Chi); trú tại: tổ 15, ấp Sa Nghe, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Trong vụ án còn có các bị cáo Nguyễn Thanh Hiền bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”; Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thị Tám và Nguyễn Thị Ngọ đều bị kết án về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
NHẬN THẤY:
Khoảng 8 giờ ngày 03-9-2003, Công an tỉnh Tây Ninh nhận được báo cáo của Công an huyện Tân Biên với nội dung: tại kênh Tây thuộc ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh phát hiện chị Nguyễn Thị Bích Chi 16 tuổi bị giết rồi bỏ xuống kênh nước.
Quá trình điều tra xác định được như sau: sau hai lần bàn bạc việc giết người, cướp tài sản nhưng không thực hiện được, Lương Hoàng Minh, Nguyễn Thanh Phong và Trang Duy Cường bàn bạc giết chị Nguyễn Thị Bích Chi để cướp tài sản.
Thực hiện kế hoạch đã bàn, khoảng 19 giờ ngày 02-9-2003, Phong, Minh và Cường vào quán “Quế Chi” uống cà phê. Uống xong Cường và Phong ra trước, đến cống kênh Suối Ông Đình chờ Minh. Minh gọi tính tiền thì chị Chi tính tiền hết 10.500 đồng, Minh lấy tiền trả cho chị Chi 3.500 đồng còn thiếu 7.000 đồng, chị Chi không đồng ý. Minh bảo chị Chi lấy xe máy chở Minh đến gặp bạn lấy tiền trả; chị Chi lấy xe máy chở Minh đến kênh Suối Ông Đình gặp Cường và Phong. Cường và Phong nói không có tiền thì Minh bảo chị Chi đi theo vào nhà anh Hai lấy tiền, chị Chi đồng ý. Minh, Cường và Phong đi lên bờ kênh Tây, còn chị Chi chạy xe máy theo sau. Đi được khoảng 200m thì Minh nói nhà đóng cửa không mượn được tiền, để ngày mai trả. Liền lúc đó Phong dùng tay bóp cổ chị Chi lôi ra khỏi xe máy, rồi cùng Minh vật chị Chi ngã xuống đất và lôi vào lề đường vừa đè lên người vừa bóp cổ chị Chi, còn Cường đứng cảnh giới. Khi thấy chị Chi không cử động nữa, thì Minh lấy 01 đôi bông tai, 05 vòng simen; Phong lấy 01 dây chuyền; Cường lấy 01 đồng hồ, 01 lắc vàng của chị Chi. Lúc này có ánh đèn xe máy từ xa, Cường nói “có đèn xe tụi bay ơi” đồng thời mở khoá xe máy, Minh bế chị Chi lên xe máy để Cường điều khiển chở Phong, chị Chị và Minh bỏ chạy. Chạy được khoảng 200m thì Cường dừng xe lại và phát hiện chị Chi còn thở, liền nói giết cho chết rồi vứt xác xuống kênh; Minh, Phong tiếp tục bóp cổ chị Chi chết hẳn rồi vứt chị Chi xuống kênh. Sau đó Minh điều khiển xe máy chở Phong và Cường về thị trấn Tân Biên vào quán của chị Trần Thị Phượng uống cà phê. Uống xong Minh nói không có tiền trả và thế lại sợi dây chuyền giá 250.000 đồng cho chị Phượng, chị Phượng đồng ý trừ tiền uống cà phê còn lại đưa cho Minh 230.000 đồng. Lúc này Cường đòi về nhà, Minh lấy trong túi của Cường 01 đồng hồ, 01 lắc vàng và đưa cho Cường 100.000 đồng cùng xe máy, Cường đến nhà ông ngoại là Lê Văn Thiết chơi, đến ngày 05-9-2003 thì bị bắt. Phong và Minh trốn sang Căm Pu Chia, Minh bán 05 vòng Simen và 01 lắc vàng được 600.000 đồng, còn đồng hồ cho 01 người phụ nữ không quen biết. Đến ngày 07-9-2003 Phong và Minh bị Cảnh sát Căm Pu Chia bắt. Tài sản thu hồi được gồm xe máy, dây chuyền và 01 đôi bông tai, Cơ quan điều tra đã trả lại cho đại diện hợp pháp của người bị hại.
Tại Bản giám định pháp y số 261/GĐPY ngày 03-9-2003, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Tây Ninh kết luận: Nguyễn Thị Bích Chi chết nước trong tình trạng bị bóp cổ.
Trong quá trình điều tra, Lương Hoàng Minh, Nguyễn Thanh Phong và Trang Duy Cường còn khai nhận một số vụ trộm cắp như sau:
Khoảng 20 giờ ngày 20-11-2002, Lương Hoàng Minh đến quán của ông Lê Phước Huy uống cà phê. Thấy xe máy cúp 50/70 của ông Huy không có người trông coi, Minh lấy đem đến nhà dì ruột là Nguyễn Thị Tám nhờ bán, sau đó Tám gọi điện cho Nguyễn Thị Ngọ (mẹ của Minh) bàn việc bán xe, được Ngọ đồng ý. Ngày 21-11-2002 Tám đưa xe đến nhà anh Nguyễn Dạ Thảo nói xe không có giấy tờ hợp lệ và nhờ bán giùm với giá 1.500.000 đồng. Anh Thảo đã mua và Tám cho anh Thảo 50.000 đồng. Cơ quan điều tra đã thu hồi được xe máy, nhưng xe không có giấy tờ nên tạm giữ chờ xử lý.
Tháng 6-2003, Nguyễn Thanh Phong và Trang Duy Cường vào chòi của anh Phạm Duy Thanh bắt trộm được 09 con gà, bán được 120.000 đồng.
Tháng 8-2003, Trang Duy Cường cùng Nguyễn Thanh Hiền trộm cắp của anh Phạm Duy Thanh 01 máy bơm nước, của bà Võ Thị Minh Triết 01 máy bơm nước. Cường cùng Hiền nhờ anh Nguyễn Văn Hải bán 01 máy bơm được 250.000 đồng, nhưng Hải chỉ đưa cho Cường và Hiền 80.000 đồng, Cơ quan điều tra đã thu hồi được máy bơm trả cho anh Thanh.
Khoảng cuối tháng 8-2003, Phong lấy xe máy Honda 67 của gia đình rồi rủ Cường đến nhà Minh Chơi. Cường nói với Minh “mấy hôm trước lấy trộm được 01 máy bơm nước giấu ở vườn nhãn, bây giờ vào lấy bán”. Minh đồng ý và chở Cường đến lấy rồi đến hiệu cầm đồ của chị Nguyễn Kim Liên cầm được 100.000 đồng. Trên đường đi xe bị hỏng, anh Đoàn Thanh Tuấn sửa hết 50.000 đồng, do không có tiền trả nên Phong thế xe cho anh Tuấn lấy 500.000 đồng. Cơ quan điều tra thu hồi máy bơm nước trả cho chị Triết và tạm giữ xe máy nói trên.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 264/HSST ngày 11-11-2004, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định: áp dụng các điểm g và o khoản 1 Điều 93; điểm a khoản 2 Điều 133; khoản 1 Điều 138; khoản 1 Điều 250; các điểm e và k khoản 1 Điều 48 và các Điều 50; 69; 74 và Điều 75 Bộ luật hình sự, xử phạt: Lương Hoàng Minh 18 năm tù về tội “giết người”, 09 năm tù về tội “cướp tài sản”, 01 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”, 01 năm tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 04 tội là 18 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 07-9-2003.
- Áp dụng các điểm g và o khoản 1 Điều 93; điểm a khoản 2 Điều 133; các điểm e và k khoản 1 Điều 48; các Điều 50; 69; 74 và Điều 75 Bộ luật hình sự, xử phạt: Nguyễn Thanh Phong 18 năm tù về tội “giết người”, 09 năm tù về tội “cướp tài sản”; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 18 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 07-9-2003; xử phạt Trang Duy Cường 12 năm tù về tội “giết người”, 07 năm tù về tội “cướp tài sản”; buộc bị cáo phải chấp hành chung cho cả hai tội là 12 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 05-9-2003.
- Áp dụng khoản 2 Điều 42 Bộ luật hình sự và các Điều 609, 611 và Điều 614 Bộ luật dân sự, buộc Lương Hoàng Minh bồi thường cho gia đình bị hại do ông Nguyễn Văn Chánh đại diện là 8.893.900 đồng; buộc Nguyễn Thanh Phong cùng gia đình ông Nguyễn Ngọc Ánh bồi thường cho gia đình bị hại do ông Nguyễn Văn Chánh đại diện là 8.893.900 đồng; buộc Trang Duy Cường cùng gia đình ông Trang Văn Cu bồi thường cho gia đình bị hại do ông Nguyễn Văn Chánh đại diện là 7.325.000 đồng (trong đó có tiền bồi thường về tài sản).
- Án phí dân sự: các bị cáo Lương Hoàng Minh chịu 444.690 đồng, Nguyễn Thanh Phong chịu 444.690 đồng, Trang Duy Cường chịu 366.250 đồng.
Bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo khác.
Ngày 22-11-2004, ông Nguyễn Văn Chánh người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Minh, Phong và Cường về tội “giết người” và tăng mức bồi thường.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 695/HSPT ngày 26-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên quyết định về hình phạt của bản án sơ thẩm về tội “giết người” đối với các bị cáo Lương Hoàng Minh, Nguyễn Thanh Phong và Trang Duy Cường.
Về trách nhiệm dân sự: chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại, sửa bản án sơ thẩm: buộc Lương Hoàng Minh bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Nguyễn Văn Chánh 11.417.600 đồng; buộc Nguyễn Thanh Phong cùng đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Nguyễn Ngọc Ánh bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Nguyễn Văn Chánh 11.417.600 đồng; buộc Trang Duy Cường cùng đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Trang Văn Cu bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Nguyễn Văn Chánh 11.417.600 đồng (trong đó có tiền bồi thường về tài sản).
Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 10/2006/HS-TK ngày 13-4-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 264/HSST ngày 11-11-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh về phần quyết định trách nhiệm dân sự và án phí dân sự đối với các bị cáo Lương Hoàng Minh, Nguyễn Thanh Phong và Trang Duy Cường; để Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
XÉT THẤY:
Về trách nhiệm hình sự:
Khi phạm tội Lương Hoàng Minh 17 tuổi 03 tháng 19 ngày; Nguyễn Thanh Phong 16 tuổi 01 tháng 12 ngày; Trang Duy Cường 14 tuổi 11 tháng
22 ngày; do đó, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Lương Hoàng Minh, Nguyễn Thanh Phong và Trang Duy Cường về tội “giết người” và xử phạt Lương Hoàng Minh 18 năm tù, Nguyễn Thanh Phong 18 năm tù và Trang Duy Cường 12 năm tù là mức án cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự. Mặc dù các bị cáo phạm nhiều tội, nhưng khi tổng hợp hình phạt Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm buộc các bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của nhiều tội bằng hình phạt đối với tội giết người là theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật hình sự.
Về phần trách nhiệm dân sự:
Đối với Lương Hoàng Minh, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa cha, mẹ của bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị cáo và có trách nhiệm bồi thường là không đúng theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 1995 (đoạn 2 khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005).
Đối với Trang Duy Cường và Nguyễn Thanh Phong, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều buộc các bị cáo cùng cha, mẹ bồi thường là không chính xác. Trang Duy Cường khi phạm tội dưới 15 tuổi, thì theo quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 1995 (đoạn 1 khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005) cha, mẹ của bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà bị cáo có tài sản riêng, thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Nguyễn Thanh Phong khi phạm tội 16 tuổi 01 tháng 12 ngày, thì theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 1995 (đoạn 2 khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005) bị cáo phải bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình; nếu bị cáo không đủ tài sản để bồi thường thiệt hại, thì cha, mẹ của bị cáo phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Mặt khác Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị hại là không đúng.
Về án phí dân sự:
Toà án cấp sơ thẩm buộc Nguyễn Thanh Phong cùng gia đình; buộc Trang Duy Cường cùng gia đình bồi thường thiệt hại, nhưng về án phí dân sự lại buộc các bị cáo Nguyễn Thanh Phong và Trang Duy Cường phải chịu là không đúng. Toà án cấp phúc thẩm đã không phát hiện sai sót này. Tuy nhiên, trong vụ án cụ thể này Toà án cấp phúc thẩm quyết định sửa phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại (tăng mức bồi thường thiệt hại), nhưng không sửa án phí dân sự sơ thẩm mà giữ nguyên quyết định sai lầm về án phí dân sự sơ thẩm của Toà án cấp sơ thẩm là sai lầm nghiêm trọng; không tuyên việc chịu lãi suất quá hạn đối với khoản tiền mà các bị cáo và đại diện hợp pháp của các bị cáo phải bồi thường do chậm thi hành án là không bảo đảm quyền lợi cho người bị hại.
Bởi các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 279; khoản 3 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 695/2005/HSPT ngày 26-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần dân sự: “buộc bị cáo Lương Hoàng Minh (Lương Văn Minh, Minh Lé) phải bồi thường cho đại diện hợp pháp bị hại (ông Nguyễn Văn Chánh): 11.417.600 đồng; buộc bị cáo Nguyễn Thanh Phong cùng đại diện hợp pháp bị cáo Phong (ông Nguyễn Ngọc Ánh) phải bồi thường cho đại diện hợp pháp bị hại ông Nguyễn Văn Chánh 11.417.600 đồng; buộc Trang Duy Cường (tự Yêm) cùng đại diện hợp pháp bị cáo Cường (ông Trang Văn Cu) phải bồi thường cho đại diện hợp pháp bị hại ông Nguyễn Văn Chánh 11.417.600 đồng” và huỷ bản hình sự sơ thẩm số 264/HSST ngày 11-11-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh phần trách nhiệm dân sự và án phí: “buộc bị cáo Minh bồi thường cho gia đình bị hại ông Nguyễn Văn Chánh 8.893.900 đồng; buộc bị cáo Phong cùng gia đình ông Nguyễn Ngọc ánh bồi thường cho gia đình bị hại ông Nguyễn Văn Chánh 8.893.900 đồng; buộc bị cáo Cường cùng gia đình ông Trang Văn Cu bồi thường cho gia đình bị hại ông Nguyễn Văn Chánh 7.325.000 đồng; án phí: bị cáo Minh chịu 444.690 đồng, Phong chịu 444.690 đồng, Cường chịu 366.250 đồng án phí sơ thẩm dân sự”.
Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại phần trách nhiệm dân sự theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:
1. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa cha, mẹ của bị cáo Minh (là người chưa thành niên) vào tham gia tố tụng để xác định trách nhiệm bồi thường là không đúng;
2. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định buộc các bị cáo Cường (dưới 15 tuổi), Phong và cha mẹ của các bị cáo này cùng phải có trách nhiệm bồi thường là không đúng với quy định tại Điều 606 của Bộ luật dân sự năm 2005;
3. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường cho người bị hại là chưa đầy đủ;
4. Toà án cấp phúc thẩm quyết định tăng mức bồi thường nhưng lại giữ nguyên mức án phí dân sự sơ thẩm; không quyết định về việc chịu lãi suất quá hạn là không đúng.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:
Thiếu sót trong việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự, quyết định về án phí và trách nhiệm phải trả tiền lãi suất quá hạn do chậm thi hành án.